Từ thời phong kiến, người Việt đã biết chơi Trà cầu kì lắm cùng văn hóa Chén trà trong sương sớm. Chẳng kém gì anh bạn láng giềng Trung Hoa đâu. Duy chỉ có điều, tác phẩm văn học viết về Trà lại hiếm, hiếm lắm. Trong đó có một tác phẩm để đời, của một nhà văn mà hàng ngàn người mến mộ. Nguyễn Tuân – vua ký sự, cùng giọng điệu chậm rãi trong từng mạch văn khiến cho từng tác phẩm vô cùng sâu lắng. Truyện thì ngắn, nhưng người đọc lại cứ thích nhẩn nha như đang uống từng chén Trà vậy. Mời quý trà hữu cùng nhâm nhi và thưởng truyện cùng Imonanngon
Văn hóa Chén trà trong sương sớm theo quan điểm Nguyễn Tuân
La liệt trên chiếu cói cạp điều đã sờn cạnh,cụ ấm đã bày lên đấy khay trà, ống nhổ, ấm đồng và hỏa lò đất. Cái điếu bát vẽ Mai Hạc kêu vang lên một hồi rất dòn, rất đều. Khói thuốc lào đặc sánh lại bao chùm lấy ánh sáng yếu ớt của một ngọn đèn dầu. Rồi làn khói loãng dần biến ra màu nhờ nhờ như làn hơi nước sủi. Sau màn khói, ẩn hiện một ông già chống nạnh bên gối xếp, cặp mắt lim dim như một nhà sư nhập định. Vẻ nghiêm trang lặng thinh của ông già muốn làm ngừng cả áng khói trắng hiếu động đang trôi trong không khí gian nhà gạch. Ba gian nhà, chỉ có một người thức.
Trong cảnh trời đất lờ mờ chưa đủ phân rõ phần đêm và phần ngày, ông cụ Ấm có cả phong thái một triết nhân ngồi rình bước đi của thời gian.
Ðêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp.
Cụ Ấm phẩy phành phạch quạt mo theo một nhịp nhanh chóng trước cửa hỏa lò. Hòn than tẩu lép bép nổ, nghe rất vui tai. Và làm vui cho cả mắt nữa, tàn lửa không có trật tự, không bị bó buộc kia còn vẽ lên một khoảng không gian những nét lửa ngang dọc, cong quèo ngoằng ngoèo. Những lúc có cháu nhỏ ngồi với mình,cụ Ấm thường hỏi xem chúng xem pháo hoa cải như thế có thích không.
Những hòn than tẩu cháy đều, màu đỏ ửng, cónhững tia lửa xanh lè vờn ở chung quanh. Không khí mỗi lúc giao độngcàng nâng cao thêm những ngọn lửa xang nhấp nho. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chẩy.
Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than sống hết một đời khoảng chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm ấp trong một cái vỏ tro tàn dầy và trắng xốp. Cụ Ấm vuốt lại hai mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn than trong hỏa lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác. Cụ Ấm bỏ thêm một vài hòn than hoa nữa vào hỏa lò. Than hoa không nổ lép bép như than tầu; nhưng từ ruột ấm đồng bị nung nấu đã lâu, có tiếng thở dài của khối nước sắp biến thể. Nước đã lên tiếng để nhắc người tan ghĩ đến nó.
Cụ Ấm cũng thở đánh phù một cái, như khi người ta được gặp lại bạn cố nhân sau nhiều giây phú mong chờ.
Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ khắc có chân quỳ. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Ðến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, nguời thợ Tầu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòng tay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cố tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.
Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tầu pha hỏng lúc sớm mai.
Từ trên bề cao cỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.
Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực, vì bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi. Như thế lúc nào người ta cũng có một thứ nước sôi đủ độ nóng đẻ pha một ấm trà ngon.
Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tầu một cách tàn nhẫn như vậy. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.
Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.
Cụ Ấm sau mỗi lần gặp phải một ông khách tạp, uống trà rất tục, cụ thường nói với vài bạn nhà nho:
– Có lẽ tôi phải mua ít chén có đĩa ở hiệu Tây, để mỗi khi có mấy thày làm việc bên Bảo Hộ tới thì đem ra mà chế nước pha sẵn trong bình tích. Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà tầu không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, còn là học trò quan Ðốc, tôi đã được cái vinh dự sớm dậy, sớm nào cũng như sớm nào, đứng hầu trà cụ Ðốc, trước khi củ giảng bài và chấm cho anh em tập quyển. Nhiều người đã ghen tị với tôi và kêu ca với cụ Ðốc xin để cắt lượt học trò hầu trà, cho anh em ai nấy đều được chút vinh dự gần gũi thày và sớm chiều được gần cái đạo của thày. Quan Ðốc mỉm cười: “Thày giã ơn các anh. Thày nói thì các anh đừng giận: các anh không pha trà cho hợp ý thày được đâu. Ðể thời giờ ấy mà học. Anh Ðam – (trước kia tôi là Ðởm, sau sợ phạm húy nên cụ Ðốc mới đổi tên đi cho) – anh Ðam pha trà khéo thì thày để cho giữ việc hầu thày, chứ có phải thày yêu anh Ðam hơn hay là ghét các anh hơn đâu”. Bây giờ mỗi buổi trà sớm, ngồi uống một mình, tôi cứ nhớ cái tiếng ngâm của quan Ðốc. Sớm nào dậy, cụ cũng ngâm một vài bài thơ. Giọng thật rền, thật trong. Cụ hay ngâm mấy câu này:
Chén trà trong sương sớm trong từng câu thơ của Nguyễn Tuân
Bán dạ tam bôi tửu.
Bình minh sổ chản trà.
Mỗi nhật ừ… ừ… đều được … y… như thử.
Lương y bất đảo gia.
Một buổi sớm, thấy rõ lòng thày là vui vẻ, tôi đã mạn phép đọc để cụ Ðốc chữa cho bài diễn nôm:
Mai sớm một tuần trà.
Canh khuya dăm chén rượu.
Mỗi ngày mỗi được thế,
Thày thuốc xa nhà ta.
Cụ Ðốc tạm cho là được.
Sớm nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. Cụ tin rằng ngâm thơ lúc yên lặng, lúc mới tỉnh giấc là một cách vận động thần khí kỳ diệu nhất của một người sống bằng cuộc đời tâm tưởng bên trong. Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh.
Thường hay vấn mình để sửa mình vào những giờ uống trà tầu, cụ Ấm thường nghĩ đến câu nghìn xưa của thày Tăng Tứ: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”.
Trong nhà cụ Ấm, người ta đã ồn ào thức dậy. Cụ Ấm cũng bắt đầu ho. Chừng như hồi nãy, cụ đã tự nén hơi thở không dám ho, sợ làm đục mất cái phút bình lặng huyền bí của lúc đêm và ngày giao nhau.
Người con trưởng rón rén lại thỉnh an cha già và mon men ngồi ghé vào thành chiếc sập cũ. Chàng đỡ lấy quạt, nhắc hỏa lò ra một chỗ rộng, quạt mạnh cho hết tàn than.
– Thày uống xong rồi. Con uống thì pha mà uống. Trà còn đợm hương lắm.
Câu nói này là thừa. Vì sớm nào hai cha con ông Ấm chẳng dậy sớm để uống trà, cha bao giờ cũng uống trước hai chén và người con cả uống sau nhiều lắm đến ba chén là cùng. Sớm nay,cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ Ấm lại bắt người trưởng nam giở tập Cổ Văn ra bình lại cả bài “Trà Ca” của Lư Ðồng. Giọng bình văn tốt quá. Ðiệu cổ phong trúc trắc thế mà con cụ Ấm lại còn ngâm gối hạc bắt đoạn cuối một câu trên xuống luôn đầu câu dưới, hơi ngâm trong và dài. Trông hai tra con uống nước mà y như là một đôi thày trò vào một giờ học ôn buổi sớm mai. Chuyện vãn mãi về trà tầu, ông cụ Ấm lại mang luôn cả tập “Vũ Trung Tùy Bút”, giảng những đoạn công phu của tác giả -ông Quốc Tử Giám Tế Tửu Phạm Ðình Hổ – chiêm nghiệm và xưng tụng về trà tầu. Rồi cụ Ấm liền than tiếc đến cái mùa thu đã đi mất rồi, để sen hồ rách hết tàn rũ hết lá.
– Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thư nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Ðốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thày học yêu như con.
Trong gia đình cụ Ấm, hồi gần đây đã lập lại cá phong tục uống trà. Có một hồi bần bách quá, cụ Ấm đã cất hẳn bộ đồ trà vào tủ, tưởng không bao giờ được bày nó ra hằng ngày nữa.
Nhưng trời kể cũng còn hậu đãi người hàn nho,thế nào năm nay cụ Ấm lại được mùa cả hai vụ.
– Này cả, con lên tỉnh mua trữa lấy ít trà Lý Tú Uyên. Năm nay ta ướp thêm vài chục chai để dành. Thủy tiên nhà, năm nay gọt những một lắp đấy. Thày mua chung với cụ Kép xóm dưới! Ðộ mai kia thì giò hoa tách hết màng. Củ nào hoa kép thì đem ủ trà.
– Thưa thày, con tuởng trà cứ để nguyên hương của nó mà uống. Con thấy ông ngoại nhà không bao giờ cho ướp trà mới, bất cứ là với hoa thơm nào. Ông ngoại con bảo chỉ nên ướp, là lúc trà đã đi hương hoặc gần phát du.
Trời rạng dần. Một chút nắng đào lóng lánh trong đám cây đang rụng dần lá năm cũ, một chiếc lại một chiếc.
Ðạo mạo trong vành khăn nhiễu quấn dố, cụ Ấm đã chống gậy ra đi.
Cụ quay trở lại dặn người con trưởng đang hí hoáy lau bộ khay trà:
– Thày vào trong cụ Ðiều để rồi cùng sang làng bên thăm một con bệnh già. Con bệnh này, tốn nhiều sâm lắm. Ðến tối thày mới về, vì thày phải sao tẩm thuốc sống ở bên ấy cho tiện.