Bèo tây còn gọi là lục bình, bèo Nhật vốn được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,… nhưng tại Hà Nội, bèo tây lại trở thành đặc sản, thành món ăn sang khó kiếm. Bèo tây xào tôm tươi, Bèo tây xào thịt ba chỉ, Canh bèo tây nấu giò sống… thành đặc sản không phải muốn mà có.
Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,… Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100 g bèo) đắp, bó.
Ở Ấn Độ, hoa bèo còn được dùng làm thuốc chữa bệnh về đường hô hấp. Còn tại Việt Nam, người ta thường dùng bèo tây làm thuốc chữa các vết thương trên cơ thể bị nhiễm chất độc hoá học. Dùng lá bèo rửa sạch, thêm muối giã nát, đắp dàn đều lên chỗ sưng rồi băng lại, phải quấn băng lỏng, đừng để chảy mất nước. Nên đắp cách đêm, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, đắp 1-2 lần là hết đau nhức. Trong khi chữa không phải tiêm hay uống thuốc kháng sinh.
Thực tế, bèo tây đã được người dân sử dụng để nấu các món ăn giống như một loại rau xanh. Đặc biệt, rất nhiều nhà hàng, quán ăn còn đưa món bèo tây trở thành món đặc sản vùng miền.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực Phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, bèo tây giống như những loại rau khác, có thể làm thực phẩm cho người, cho gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, khi hái bèo tây để chế biến các món ăn thì tránh hái ở những vùng nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi những vùng nước như thế trong nước thường có chứa kim loại nặng, bèo tây lại là loại có tác dụng làm sạch nước. Theo đó, cây bèo sẽ hút kim loại nặng cộng với những chất khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo đó nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.
Do vậy, chỉ nên ăn bèo sống ở những kênh rạch có nguồn nước sạch, hái những đọt bèo non trên mặt nước, khi sơ chế nhớ chú ý rửa thật sạch, ông Thịnh khuyến cáo.