Một số giống bưởi ngon
Nếu như bưởi Phúc Trạch chọn cho mình mảnh đất miến Trung nắng gió để vươn mình thì bưởi Năm Roi lại chọn vùng đất Nam Bộ màu mỡ để sinh sôi. Bưởi Năm Roi có vị ngọt xen lẫn chua dịu dễ ăn, ruột trắng ngà, múi nhiều nước, tuy nhiên không róc múi và không dễ tách vỏ.
Cuối cùng phải kể đến bưởi Đoan Hùng (bưởi Phủ Đoan) – giống bưởi chắt lọc tinh hoa từ miền sỏi đá trung du bắc bộ để mà ngon, mà ngọt đến lạ kỳ.
Bưởi Đoan Hùng
Xưa nay chúng ta cứ nghĩ ở Đoan Hùng thì là bưởi Đoan. Nhưng thực tế không phải vậy, ở Đoan Hùng chỉ có 2 xã trồng được bưởi ngon.
Xã Chí Đám: nổi tiếng là bưởi Chí Đám với giống bưởi Sửu trứ danh.
Xã Bằng Luân: nổi tiếng với giống bưởi Bằng Luân đã đi vào sử sách.
(Ngoài ra còn có bưởi Khả Lĩnh ở xã Đại Minh – Yên Bái vốn cùng chung 1 giống bưởi với Bằng Luân, điều kiện thổ nhưỡng cũng gần giống nhau).
Về hình dáng, bưởi Bằng Luân với quả to, dáng đẹp, vỏ vàng xanh, còn bưởi Sửu quả vừa xinh, vỏ vàng, da hơi nhăn.
Điều làm nên cái hồn cho bưởi Đoan Hùng chính là hương bưởi. Cái mùi thơm thoang thoảng khi bạn có một quả bưởi phủ Đoan trong nhà, hương thơm cứ ngát lên, khi bạn gọt vỏ một quả bưởi thật khó diễn tả. Cái hương vị ấy như mang cả mưa nắng của đất trời trung du về, một thoáng ngây ra, rồi thấy lòng thật dễ chịu.
Bưởi Đoan Hùng có vị ngọt thanh, mát dịu nhẹ nhàng và thơm nước, thơm vỏ, ăn xong một lúc vẫn giữ được hậu vị trong miệng. Để lâu cho bưởi xuống nước, thì cảm giác như sờ được múi, ăn ngon hơn. Bưởi dù để vài tháng, vỏ quắt vào thì khi bổ ra, trái ngược với lớp vỏ ngoài: múi bưởi vẫn mọng nguyên, chất lừ.
Nếu có dịp được tham quan vườn bưởi Đoan Hùng bạn sẽ nhận thấy điểm khác biệt với các vùng bưởi khác trong cả nước chính là tính “lưu niên, đại thụ”. Bưởi Đoan Hùng cây càng giá, gốc càng to thì càng ngon.
Bưởi Đoan Hùng chính gốc
Để mua được một quả bưởi Đoan Hùng chính gốc không phải là dễ. Bưởi phải đạt được ít nhất 2 tiêu chí:
– Thứ nhất, chính là tính “lưu niên, đại thụ” đã nói ở trên. Cây bưởi phải đủ già: bưởi Sửu Chí Đám phải từ 14, 15 năm trở lên mới cho quả ngon. Còn giống bưởi Bằng Luân thì phải “nửa đời người” (30 – 40 năm) mới đạt được “độ chín”, còn được gọi là già phải từ 50 – 60 năm trở lên, chưa nói đến “bưởi lão” phải cần đến 70 – 80 năm để tích tụ tinh hoa của đất trời mới cho ra được trái quý.
– Ngoài ra bưởi phải được trồng trên đất gò, đồi cao, nhiều sỏi đá mới cho ra quả ngon nhất. Thực tế cho thấy, bưởi Đoan Hùng được trồng ở những vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu ven sông thì lại không ngon bằng.