Nhẹ dạ và cả tin là những đặc tính thuộc về bản năng của con người. Nhưng xã hội đã thay đổi, không phải lúc nào bạn cũng có thể tin người một cách ngây thơ. Có vô số cách để con người bị lừa dối, phỉnh gạt, chơi khăm…. Đôi khi những hành động này chỉ nằm mục đích… vui là chính, nhưng có lúc chúng được dùng để phục vụ lợi ích của người khác.
Trong thời đại như hiện nay với nguồn thông tin vô hạn, việc lựa chọn cái nào nên tin, cái nào nên xem qua cho vui thực sự là một thử thách. Nhưng một số người lại khá tệ trong trò chơi lựa chọn đó. Cùng Imonanngon tìm hiểu về đề tài thú vị này nhé!
Đâu là nguyên nhân tâm lý đằng sau sự cả tin?
Cả tin hay nhẹ dạ có liên quan đến cách mà ta suy nghĩ, và lượng thông tin cần thiết để chấp nhận một thông tin là đúng. Trong phần lớn trường hợp, “ngưỡng” nghi ngờ mà con người dành cho nhau thường rất thấp, do chúng ta được sinh ra với “đặc tính tích cực” và luôn cho rằng phần lớn hành động của con người đều chân thật.
Điều này thể hiện qua việc dù đã biết tỏng ý đồ của người đối diện, những lời nói ngọt luôn dễ lọt tai hơn là “sự thật mất lòng”.
Hơn nữa, con người có xu hướng thích nghe những thông tin có vẻ mù mờ nhưng phù hợp với lập trường của bản thân. Đồng thời, ta có xu hướng chối bỏ những thông tin làm cho niềm tin của mình lung lay, bất kể tính xác thực cao đến đâu.
Sự khác nhau về niềm tin cũng ảnh hưởng đến sự nhẹ dạ, cả tin. Điều này có thể có liên quan đến những kinh nghiệm thời trẻ thơ, với niềm tin rằng thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp và dễ chịu để sống.
Vậy làm thế nào để bớt ngây thơ, cả tin?
Gặp gỡ nhiều người có hoàn cảnh xã hội khác nhau
Đôi khi, một số người bị cho là ngây thơ bởi vì cách nhìn nhận thế giới còn hạn hẹp hay sự trải đời còn hạn chế. Bước ra thế giới bên ngoài và tương tác với những người có cuộc sống hoàn toàn khác biệt có thể là một kinh nghiệm giúp bạn hiểu được thế giới với cái nhìn rộng lớn hơn.
Tỉnh táo hơn
Khi bước ra khỏi môi trường quen thuộc, bạn sẽ nhận ra rằng cho dù ở đâu cũng sẽ có người tốt và kẻ xấu. Bạn nên ý thức được những kiểu người xung quanh mình.
Lắng nghe nhiều, nói ít
Tham gia nói chuyện xã giao hời hợt cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái với người mới quen. Lắng nghe điều người đó đang nói nhiều hơn thay vì chia sẻ quá nhiều điều về bản thân bạn. Thời gian im lặng là lúc bạn có thể cẩn thận quan sát trước khi đánh giá xem họ có đáng tin hay không. Khoan phán xét cho đến họ tự bộc lộ bản chất không đáng tin.
Tập thói quen đặt câu hỏi
Hãy tập suy nghĩ một cách khoa học, tự đặt câu hỏi cho mình về những thông tin được tiếp nạp: rằng liệu anh chàng trước mắt có thật sự đang muốn giúp mình; tin đồn mình đọc hay nghe được có đúng không; có thật là người này giúp mình mà không vụ lợi… Trước một tình huống cần đưa ra quyết định, hãy dành vài giây để đặt câu hỏi, phân tích, đánh giá thay vì cứ tin tưởng tuyệt đối vào lời nói của đối phương.
Mẩu chuyện về Cả tin
Xe của người đàn bà và người đàn ông đâm nhau. Cả hai chiếc xe đều bị hỏng nhưng may mắn là họ không hề bị thương.
Sau khi quan sát hai chiếc xe một vòng, người đàn bà nói:
– Ông là đàn ông còn tôi là phụ nữ, điều đó thật là thú vị. Hãy nhìn xem xe của chúng ta, không còn gì cả, nhưng thật là may mắn là chúng ta đều không bị sao. Đó thật sự là ý của thượng đế khiến chúng ta gặp nhau trong hoàn cảnh này để trở thành bạn và sống chung với nhau. Anh có đồng ý không?
Người đàn ông vui vẻ trả lời:
– Tôi hoàn toàn đồng ý, đó thật là chủ ý của thượng đế.
Người đàn bà nói tiếp:
– Hãy nhìn xem này, lại còn một kỳ tích khác nữa. Xe của tôi đã nát hết rồi nhưng chai rượu trong xe tôi không hề bị vỡ nát, đây chắc chắn là ý của thượng đế muốn chúng ta uống để chúc mừng tương lai sau này.
Người đàn bà cầm chai rượu đưa cho người đàn ông. Ông này gật đầu lia lịa tỏ vẻ tán thành và cầm chai rượu uống một hơi thật dài. Sau đó trả lại cho người đàn bà. Bà này lập tức đậy nút chai rượu và đưa lại cho người đàn ông.
Người đàn ông ngạc nhiên hỏi:
– Bà không uống chút nào sao?
Người đàn bà đáp:
– Không, tôi nghĩ tôi nên chờ cảnh sát đến.